Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Một tháng xáo trộn kinh tế toàn cầu của virus corona

Sản xuất, dịch vụ bị "đứt gãy" ở nhiều nơi, chứ không riêng Trung Quốc trong khoảng một tháng dịch viêm phổi được công bố rộng rãi.
Năm 2003, lúc dịch SARS tấn công Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu vẫn tương đối bình thường. Nhưng gần hai thập kỷ sau, khi thế hệ virus corona mới cũng hoành hành tại đây, kinh tế thế giới lại chịu xáo trộn nhiều hơn bởi sự phát triển bùng nổ của Trung Quốc.
Sức mạnh tiêu dùng và sản xuất của nước này ảnh hưởng đến khắp châu Á, tận Bắc Mỹ, châu Âu và hơn thế. Các nhà sản xuất trên toàn thế giới bị ràng buộc với Trung Quốc bởi chuỗi cung ứng phức tạp, nơi mà các nhà máy nước này chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu hoặc thành phẩm.
Một góc ga tàu Hồng Kiều tại Thượng Hải hôm 18/2. Ảnh: Reuters
Một góc ga tàu Hồng Kiều tại Thượng Hải hôm 18/2. Ảnh: Reuters
Để hạn chế lây lan, nhiều công nhân Trung Quốc không thể rời khỏi nhà, khiến sản xuất trì trệ. Tại Mỹ, General Motors đã cảnh báo việc thiếu các bộ phận do Trung Quốc sản xuất có thể làm chậm dây chuyền lắp ráp tại các nhà máy SUV ở Michigan và Texas. Công ty cho biết đang tìm cách giảm thiểu rủi ro. Câu chuyện cũng tương tự ở những nơi xa xôi khác.
Mostafiz Uddin, chủ một hãng sản xuất quần jean ở thành phố Chittagong, phía đông nam Bangladesh, cho biết không thể thực hiện đơn đặt hàng cho 100.000 quần jean nữ vì thiếu vải từ Trung Quốc. "Tôi chỉ chờ đợi", ông nói "Chúng tôi không có lựa chọn nào".
Một tháng sau khi dịch viêm phổi buộc các nhà máy tại Trung Quốc tiếp tục đóng cửa sau đợt Tết Nguyên đán, số ít đang dần mở lại. Tuy nhiên, nhiều quan chức và nhà kinh tế cảnh báo việc Trung Quốc ngừng hoạt động có thể làm tê liệt sản xuất toàn cầu, khiến thế giới mất đến 1.000 tỷ USD.
"Tình hình hiện tại nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói hôm thứ ba (18/2). "Chúng ta cần phải thực hiện các bước khẩn cấp trong thời gian khẩn cấp này", ông tuyên bố.
Hyundai Motor, sau khi đóng cửa một số nhà máy Trung Quốc vào đầu tháng 2, đã đình chỉ một trong những dây chuyền lắp ráp chính tại Ulsan (Hàn Quốc), do không thể nhận được các bộ phận từ Trung Quốc. Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc, cho 10.500 nhân viên làm việc luân phiên với 10 ngày nghỉ không lương từ hôm 19/2.
Nhà kinh tế Taro Saito của Viện nghiên cứu NLI cho biết, xuất khẩu Nhật Bản sang Trung Quốc dự kiến giảm 7% trong quý này so với quý cuối năm ngoái. Công ty trò chơi điện tử khổng lồ Nintendo nói một số lô hàng của máy chơi game Switch bị trì hoãn vì không thể nhận được linh kiện từ các nhà máy Trung Quốc.
Sau hai năm căng thẳng thương mại với Mỹ, dịch viêm phổi có thể gây thêm áp lực kinh tế cho Trung Quốc. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, các nước phụ thuộc nhiều vào kinh tế Trung Quốc có thể mất đi 0,5 điểm phần trăm tăng trưởng GDP năm nay vì Covid-19.
Theo ước tính của McKinsey Global Institute, Trung Quốc hiện chiếm gần một phần ba tăng trưởng GDP thế giới, tăng từ khoảng 3% vào năm 2000. Từ năm 2000 đến 2017, tỷ lệ phụ thuộc của kinh tế thế giới vào nước này tăng 3 lần.
Sự phụ thuộc gia tăng mạnh nhất ở châu Á. Theo World Bank, năm 2000, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% thương mại toàn cầu. Đến 2018, thị phần của họ là một phần ba. Ở châu Á, thị phần đã tăng từ 16% đến 41% trong giai đoạn này.
Hành khách đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Seoul hôm 20/2. Ảnh: Reuters
Hành khách đeo khẩu trang trên một chuyến tàu ở Seoul hôm 20/2. Ảnh: Reuters
Tác động được cảm nhận ở khắp mọi nơi. Apple cho biết không thể đạt được mục tiêu doanh thu trong quý này khi dịch bệnh làm đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc. Tại châu Âu, các nhà khai thác tàu container đang chuẩn bị cảnh báo giảm lợi nhuận khi hàng chục chuyến tàu từ Trung Quốc bị hủy bỏ.
Sự đóng băng về lượng du khách từ Trung Quốc giáng đòn mạnh vào các khách sạn và nhà bán lẻ phụ thuộc vào chi tiêu của họ tại Mỹ. Các nền kinh tế châu Á phát triển phụ thuộc vào du khách và thương mại Trung Quốc đang quay cuồng. Singapore tuần trước đã cắt giảm dự báo GDP năm nay xuống khoảng 0,5%, giảm từ 1,5%. Thái Lan ước tính lượng khách du lịch có thể giảm 13% trong năm nay vì mất nhiều khách Trung Quốc.
Tại Việt Nam, xuất khẩu tháng trước đã giảm 17,4% so với cùng kỳ, xuống mức thấp thứ hai kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu. Nhập khẩu đã giảm 13,7%, dẫn đầu là mức giảm 16% từ Trung Quốc.
Từ thép đến đồ nội thất, Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu bán thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu thành phẩm. Hơn 50% các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng do sự gián đoạn từ virus corona, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho biết.
Australia, với nền kinh tế lớn gấp sáu lần Việt Nam, cũng đang cảm nhận được những ảnh hưởng. Hai thập kỷ trước, Trung Quốc là đối tác thương mại đứng sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng khi Bắc Kinh ồ ạt đầu tư vào công nghiệp, "cơn đói" của Trung Quốc đã hút các lô hàng quặng sắt và than từ nước này. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm gần 40% xuất khẩu của Australia.
BHP Billiton, công ty khai thác lớn nhất thế giới, cho biết sẽ hạ kỳ vọng đối với tăng trưởng nhu cầu hàng hóa nếu dịch bệnh không được đẩy lùi vào cuối tháng 3 tới.
Suy thoái cũng đã tràn sang các ngành công nghiệp phụ trợ. WiseTech Global, có trụ sở tại Sydney, nơi cung cấp phần mềm dựa trên nền tảng điện toán đám mây, đã hạ mức dự báo doanh thu năm 2020 vào hôm 19/2. Công ty cho biết việc ngừng hoạt động ở Trung Quốc đã buộc họ trì hoãn tung ra các tính năng sản phẩm mới, vốn được hy vọng sẽ giúp tăng doanh thu.
"Đây là sự kiện một lần trong đời", CEO Richard White của WiseTech Global nói.

Số người chết vì nCoV vượt 2.600

Trung Quốc hôm nay ghi nhận thêm 150 ca tử vong vì nCoV, trong khi thêm 7 ca tử vong bên ngoài nước này, nâng số người chết trên thế giới lên 2.619.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay thông báo số người tử vong vì virus corona trên toàn Trung Quốc đại lục tăng 150 ca lên 2.592. Các trường hợp tử vong đa phần ở tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covd-19. Thêm 409 người nhiễm bệnh, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 77.150.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể một bệnh nhân tử vong vì virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán hôm 16/2. Ảnh: AP.
Nhân viên y tế di chuyển thi thể một bệnh nhân tử vong vì virus corona tại bệnh viện ở Vũ Hán hôm 16/2. Ảnh: AP.
Thế giới hiện ghi nhận 2.619 người chết, 79.561 người nhiễm nCoV. 27 ca tử vong vì nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Italy.
Dịch Covid-19 xuất hiện tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 12/2019. 
Cập nhật số liệu của Trung Quốc hôm nay muộn hơn thông thường những ngày trước khoảng hai tiếng. Tối 21/2 Hồ Bắc sửa lại số ca nhiễm mới ngày 20/2 lên 775 từ 349 ca trước đó với lý do tính toán nhầm. Đây là lần thứ tư trong tháng Uỷ ban Y tế tỉnh Hồ Bắc sửa dữ liệu số ca nhiễm và tử vong vì nCoV, làm dấy lên hoài nghi đối với dữ liệu chính thức được công bố từ Trung Quốc, nơi chiếm phần lớn số ca nhiễm và tử vong vì nCoV.
Theo cách tính ca nhiễm nCoV mới của Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 20/2, các trường hợp được báo cáo hiện nay ở nước này sẽ chia làm hai loại gồm "ca nghi nhiễm" và "ca được xác nhận nhiễm". Các ca nhiễm nCoV chỉ được đưa vào thống kê khi có kết quả dương tính với virus dựa trên xét nghiệm axit nucleic.

Người nhập cảnh từ Hàn Quốc phải khai y tế

Từ 15h ngày 23/2, người nhập cảnh từ Hàn Quốc qua tất cả cửa khẩu phải thực hiện tờ khai y tế bắt buộc, theo Bộ Y tế.
Người bị sốt, ho, khó thở... sẽ được cách ly theo quy định. Quyết định này được thống nhất tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh sáng 24/2.
Hàn Quốc hôm nay ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người bệnh lên 763 và trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại Hàn Quốc, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Giao thông, Công an, Ngoại giao, Văn hóa Thể thao - Du lịch, Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan khác. Nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh lây lan qua khách nhập cảnh từ Hàn Quốc đã được đề xuất.
Người nhập cảnh từ Trung Quốc khai y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Giang Huy.
Người nhập cảnh từ Trung Quốc khai y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: Giang Huy.
Hôm qua, một nam thanh niên 25 tuổi từ vùng dịch Covid-19 ở Hàn Quốc về đến sân bay quốc tế Đà Nẵng trong trạng thái sốt, đã được đưa cách ly.
Sở Y tế Hà Nội và TP HCM đều đề xuất Bộ Y tế cách ly, giám sát y tế người đến từ vùng dịch ở Hàn Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc. 18.502 người sống ở tỉnh Gyeongsang, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người. Có 333 người tại quận Cheongdo - nơi có giáo phái Tân Thiên địa liên quan đến gần 100 ca bệnh.

Tĩnh lặng bao trùm tâm dịch Daegu

Sáng chủ nhật, Kim Tae-woo ngồi trong cửa hàng tiện lợi của mình ở ga tàu phía đông Daegu, đếm số khách hàng lác đác chưa đủ đầu ngón tay.
"Không khí ở đây tĩnh lặng quá", Kim nói. "Tôi cảm thấy như mình đang ở một cơ sở thiền. Tôi tính đến việc bỏ kệ tạp chí đi. Không ai còn tâm trí để lướt đọc chúng giờ này nữa".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua đã nâng mức cảnh báo lên màu đỏ, cấp cao nhất, khi số ca nhiễm nCoV tăng gấp ba vào cuối tuần lên hơn 600. Hàn Quốc hiện là quốc gia có số ca Covid-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với gần 800 ca nhiễm và 7 trường hợp tử vong.
Máy đo thân nhiệt ở một ga tàu thành phố Daegu. Ảnh: AFP
Máy đo thân nhiệt ở một ga tàu thành phố Daegu. Ảnh: AFP
Những người dân ở Daegu, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc và tâm điểm dịch bệnh, đang không còn lựa chọn nào khác. Đường phố vắng vẻ, các cửa hiệu và nhà hàng đóng cửa, ga tàu, chợ và siêu thị không còn người qua lại. Chỉ vài người dám ra ngoài nhưng đeo khẩu trang và găng tay.
Hơn một nửa trong số các ca nhiễm nCov ở Hàn Quốc liên quan đến chi nhánh giáo hội Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở Daegu, và hơn 100 ca đến từ khoa sức khỏe tâm thần ở bệnh viện Daenam, quận Cheongdo gần đó và cùng ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Giới chức tin rằng ca nhiễm ở bệnh viện này liên quan đến đám tang của anh trai người sáng lập giáo hội Tân Thiên Địa diễn ra vào đầu tháng.
Trong khi nguồn phát tán virus chính xác hiện chưa được xác định, các quan chức y tế cho hay một nữ tín đồ 61 tuổi của Tân Thiên Địa bị nhiễm nCoV và họ đang truy tìm toàn bộ 9.336 thành viên của chi nhánh giáo hội Daegu cũng như những người từng tiếp xúc với bệnh nhân này để kiểm tra y tế.
Kwang-ho Lee, một tài xế taxi, băn khoăn tại sao người phụ nữ trên đã không có biện pháp gì để tránh lây lan virus ra cộng đồng.
"Dịch bệnh đã phá hoại mọi thứ ở đây", anh nói. "Thu nhập của tôi hiện chưa đến 10% so với thông thường. Các tài xế khác và tôi chỉ biết đứng nhìn, chờ khách suốt cả ngày. Đôi khi chúng tôi còn sợ hãi không dám nói chuyện với nhau vì không biết ai mang virus và ai thuộc về giáo hội kia".
Sự phẫn nộ đang lan rộng trong dư luận Hàn Quốc vì các tín đồ của giáo phái này hoạt động bí mật và từ chối hợp tác với giới chức y tế. Theo nhà chức trách, hơn 600 thành viên của chi nhánh Daegu không trả lời điện thoại hay tin nhắn và không thể liên lạc được. Đơn kiến nghị chính phủ giải tán Tân Thiên Địa đã được đăng lên trang web của phủ tổng thống và đến nay thu hút hơn 300.000 chữ ký.
Một phụ nữ đi qua chi nhánh Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, nơi đã bị đóng cửa vì bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Một phụ nữ đi qua chi nhánh Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu, nơi đã bị đóng cửa vì bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Một tài xế xe buýt có chung sự phẫn nộ với dư luận, khi chỉ chở có một hành khách.
"Nếu tôi phạm luật giao thông, cảnh sát sẽ liên hệ tôi ngay trong ngày và tôi sẽ bị phạt", ông nói. "Làm sao họ lại không thể liên hệ với nhiều thành viên giáo phái như thế? Làm sao chúng ta có thể nói Hàn Quốc là một cường quốc về công nghệ khi để chuyện này xảy ra?".
Tại Dongseung-ro, một nơi tụ họp quen thuộc của giới trẻ Daegu, không khí cũng rất yên ắng và hầu như các cửa hiệu, quán cafe đều đóng. Sung-jin Choi và Yoon Na, một đôi nam nữ trong độ tuổi đôi mươi, quyết định đeo khẩu trang và găng tay ra ngoài.
"Chúng tôi xem trên Internet thì bây giờ là thời điểm để trải nghiệm khu vực này như Gotham City", Choi nói, nhắc đến thành phố giả tưởng ở Mỹ xuất hiện trong loạt truyện tranh của DC Comics. "Vì thế, chúng tôi quyết định đi xem thế nào".
Na cho hay một số đôi yêu nhau đã không còn gặp mặt vì không ai dám chắc người kia có thuộc Tân Thiên Địa không. "Chỉ những đôi biết rõ về nhau mới có thể chắc chắn", cô nói. 
Hôm qua, một trong vài nơi ở Daegu có hơn 20 người tập trung đó là trung tâm y tế thành phố. Bệnh viện này đã trở thành trung tâm điều trị Covid-19 với các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ chuyên dụng và đeo tấm che mặt bằng nhựa. 
Khoảng 30 người đang đợi xét nghiệm ở một lều dã chiến được dựng lên bên ngoài tòa nhà chính của bệnh viện. Dù các nhân viên hoạt động không ngừng, không khí vẫn tĩnh lặng một cách đáng sợ. Sự tĩnh lặng chỉ bị phá vỡ bởi những lượt xe cứu thương đến rồi đi và tiếng ho của ai đó.
Ở bên kia thành phố, tòa nhà của giáo hội Tân Thiên Địa đã bị khóa và khu vực này cùng những nơi khác của Daegu đều vắng vẻ. Simon Kim, phát ngôn viên của giáo hội, cho biết đang hợp tác đầy đủ với chính quyền.

Hàn Quốc trở thành ổ dịch nCoV lớn thứ hai thế giới

Hàn Quốc ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người nhiễm lên 763 và trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới.
Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) hôm nay cho biết nước này ghi nhận thêm 161 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 763, trong đó 7 người đã tử vong. Trong số các trường hợp nhiễm mới, 129 trường hợp liên quan tới nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu.
Bệnh nhân tử vong mới nhất là một người đàn ông 62 tuổi. Quan chức y tế cho biết ông qua đời tại bệnh viện quận Cheongdo hôm qua. KCDC không giải thích bệnh nhân này có mắc bệnh tiềm ẩn hay không.
Số ca nhiễm mới được ghi nhận khiến Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Trước đó, du thuyền Diamond Princess bị coi là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai với tổng cộng 634 ca nhiễm.
Giáo phái Tân Thiên Địa trở thành tâm điểm chú ý của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Daegu, thành phố lớn thứ 4 Hàn Quốc với 2,5 triệu dân, sau khi một nữ tín đồ 61 tuổi lây virus cho hàng chục người khác.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc chờ xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm nCoV tại lối vào  một bệnh viện ở Daegu hôm 23/2. Ảnh: AFP.
Một nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc chờ xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm nCoV tại lối vào  một bệnh viện ở Daegu hôm 23/2. Ảnh: AFP.
Nữ tín đồ được gọi là "Bệnh nhân thứ 31", nhập viện hôm 8/2 vì tai nạn giao thông nhưng hai lần từ chối xét nghiệm nCoV. Bà sau đó đi nhà thờ của Tân Thiên Địa 4 lần và được xác nhận dương tính với nCoV hôm 18/2. Khoảng 9.300 thành viên giáo phái đã được yêu cầu tự cách ly hoặc không ra khỏi nhà, trong đó 1.248 người đã có các triệu chứng của dịch Covid-19. Tân Thiên Địa bị giáo hội Cơ đốc giáo chính thống coi là dị giáo.
Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, bệnh viện Daenam ở quận Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi xảy ra ca tử vong do nCoV đầu tiên tại Hàn Quốc, là nơi ghi nhận các ca nhiễm nhiều thứ hai. Hơn 110 người, gồm 9 nhân viên y tế, tại bệnh viện Daenam được xác nhận dương tính nCoV.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm qua nâng cảnh báo nCoV lên mức cao nhất dựa theo khuyến nghị từ các chuyên gia. Ông cũng thúc giục các quan chức chính quyền không do dự trong việc sử dụng "các biện pháp quyết liệt chưa từng có" nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã yêu cầu các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học các cấp hoãn bắt đầu học kỳ mới trong một tuần, trong khi Bộ Quốc phòng hiện cách ly 7.700 binh sĩ nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Bắc Gyeongsang là 18.502 người, trong đó có 333 người tại quận Cheongdo. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết đến nay chưa phát hiện trường hợp người Việt nào nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV ở các địa phương trên.

Kỹ thuật đánh bài Liêng được nhà cái tiết lộ

  Hiện nay, bài liêng là một trong những game bài được rất nhiều người yêu thích. Phổ biến là vậy nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bài ...