Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Bác sĩ phẫu thuật xong mới phát hiện nhầm bệnh nhân

Theo Asiaone, bác sĩ này đã khoan một lỗ ở chân phải của bệnh nhân Vijendra Tyagi và bắt vít vào xương trước khi nhận ra mình nhầm bệnh nhân.
Ông Tyagi nhập viện với thương tích ở đầu sau tai nạn xe hơi vào tuần trước. Bác sĩ nhầm ông với một bệnh nhân bị gãy chân, và tiến hành phẫu thuật để điều trị một vết nứt xương chân mà Tyagi không hề có.
Giám đốc bệnh viện là Ajay Bahl nói với AFP rằng bệnh nhân được gây mê nên không thể phản bác sự nhầm lẫn này. Tên của bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật nhầm bệnh nhân không được tiết lộ, nhưng bệnh viện đã sa thải bác sĩ do tắc trách này. "Bác sĩ đã nhận ra sai lầm và xin lỗi", ông Balh nói.
Ông Tyagi được ra viện vào cuối tuần, nhưng vết mổ oan ở chân phải mất một tuần mới bình phục hoàn toàn.
Ảnh: Reuters.
Ảnh: Reuters.
Các vụ tắc trách trong y tế thường gây hậu quả chết người, không phải chuyện hiếm ở Ấn Độ. Cũng trong tuần trước, hai bác sĩ bị bắt sau khi bị cáo buộc chẩn đoán sai cho một chuyên gia vật lý trị liệu 51 tuổi nhập viện do huyết áp cao. Bệnh nhân này bị ngừng tim và sau đó qua đời.
Một tuần trước vụ việc trên, một phụ nữ 30 tuổi có cơn đau bụng nhẹ đã bị chỉ định lọc máu nhầm ở Viện Khoa học Y khoa Ấn Độ. Bác sĩ điều trị sau đó đã cố thay đổi giấy tờ để che giấu sai lầm của mình.
Tháng 12 năm ngoái, bệnh viện ở New Delhi tuyên bố nhầm cặp sinh non chết trong khi một bé vẫn còn sống, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ buộc chính phủ phải đóng cửa viện này. Vài ngày sau đó em bé còn sống cũng qua đời ở một bệnh viện khác.

Bé gái bị con rết dài 30 cm chui vào mùng cắn

Bé gái 11 tuổi tại TP HCM bị con rết cắn ở vai, phải vào viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết cháu bé nhập viện với hai vết rết cắn ở vai, sưng đỏ, tím. Bệnh nhi lừ đừ, than đau nhức vết cắn. Bác sĩ sau khi kiểm tra mạch, huyết áp, nhịp thở cho bé đã xử trí bằng thuốc giảm đau, chăm sóc vết thương tại chỗ, sát trùng và chườm lạnh.
Rết cắn vào vai cháu bé. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Rết cắn vào vai cháu bé. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhi được theo dõi các biến chứng có thể xảy ra như sốc phản vệ, hủy cơ, suy thận, nhồi máu cơ tim cũng như diễn tiến hoại tử, nhiễm trùng tại chỗ. Sau một ngày điều trị, sức khỏe của bé đã cải thiện, vết thương do rết cắn bớt sưng, bớt đau. Bé tỉnh táo, ăn uống được.
Người nhà cho biết khuya vài ngày trước bé đang ngủ trong mùng thì bị con rết bò vào cắn. Bé kêu lớn, người nhà tìm kiếm phát hiện và đập chết con rết dài khoảng 30 cm, sau đó nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện.
Bác sĩ khuyến cáo mùa hè phụ huynh nên cảnh giác và giữ an toàn cho trẻ nhỏ, phòng ngừa côn trùng cắn đốt như rết, rắn độc cắn, ong đốt, bò cạp chích…, đặc biệt là ở vùng quê.

Bác sĩ mổ bắt con sớm cứu thai phụ bị u gan

Thai phụ có khối u to ở gan phải, hoại tử dịch trung tâm trong khi thai nhi mới hơn 32 tuần.

Ngày 23/4, thai phụ 31 tuổi được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám trong tình trạng da niêm mạc nhợt, đau bụng nhiều hạ sườn phải không rõ nguyên nhân. Thai phụ mang thai lần hai, thai kỳ trước đó diễn ra bình thường, dự kiến sinh vào ngày 12/6.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp CT bệnh nhân cho thấy gan to nhiều, nhu mô gan phải có khối kích thước 174x154 mm, có phần dải xơ và hoại tử dịch ở trung tâm. Thai nhi ước lượng nặng khoảng hai kg. Bệnh nhân được chẩn đoán bị u gan, thiếu máu, theo dõi và điều trị tại khoa Sản.
Thai phụ được mổ cấp cứu lấy thai nhi, đồng thời sinh thiết khối u gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Thai phụ được mổ cấp cứu lấy thai nhi, đồng thời sinh thiết khối u gan. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định điều trị nâng cao thể trạng bệnh nhân, truyền máu, giảm đau, truyền đạm, albumin. Bác sĩ cố gắng duy trì cho thai nhi trên 35 tuần tuổi để mổ đẻ chủ động, sau đó sinh thiết gan cho người mẹ. Tuy nhiên, sáng 26/4, thai phụ xuất hiện cơn co tử cung nên được chỉ định mổ cấp cứu. Trong khi ê kíp sản khoa mổ bắt con, các bác sĩ ngoại kiểm tra gan, dạ dày, lá lách... bệnh nhân. Bé trai chào đời nặng 2,3 kg ngay lập tức được chuyển khoa sơ sinh theo dõi.
Về người mẹ, các bác sĩ phát hiện gan phải to thay đổi màu sắc, khối u chiếm gần hết nhu mô gan. Bác sĩ đã cắt 2 cm gan phải để giải phẫu bệnh.
Bé sơ sinh đang được thở máy, tiên lượng tốt, có thể xuất viện trong một vài tuần tới. Sức khỏe sản phụ hiện ổn, bác sĩ sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị.
Theo bác sĩ đây là một trường hợp điều trị vô cùng khó khăn. Bác sĩ khuyến cáo, thai phụ nên thực hiện khám thai định kỳ để nhận biết các dấu hiệu nguy cơ, chủ động can thiệp hoặc đình chỉ thai nghén nếu cần thiết. Phụ nữ cũng cần chuẩn bị sức khỏe và tâm lý tốt trong quá trình mang thai để thuận lợi cho cuộc chuyển dạ.

Trung tâm nghiên cứu lâm sàng về ung thư đầu tiên ở Việt Nam

Trung tâm giúp bệnh nhân ung thư có cơ hội tiếp cận những phương pháp điều trị tiên tiến.

Ngày 27/4, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, thuộc Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) bắt đầu hoạt động. Đây là Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng về ung thư đầu tiên của Việt Nam.
Ông Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, giống như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam bệnh ung thư có xu hướng gia tăng. Mỗi năm nước ta có 126.000 ca ung thư mới, 94.000 người tử vong. Phần lớn bệnh nhân khám và điều trị ở giai đoạn muộn, điều trị tốn kém nhất là khi phải dùng thuốc trúng đích, thuốc miễn dịch. Chi phí điều trị cũng là gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh. Hệ lụy là bệnh nhân ung thư thiếu cơ hội được tiếp cận những phương pháp điều trị mới, tiên tiến.
Trung tâm nghiên cứu lâm sàng quản lý, giám sát các nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trong bệnh viện,  giúp bệnh nhân có cơ hội được tiếp cận với các loại thuốc, phương pháp điều trị hiện đại. Trong tương lai, Trung tâm thiết kế triển khai các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong dự phòng, chẩn đoán và điều trị ung thư; xây dựng những nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng mang tầm quốc tế.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, nhấn mạnh, việc thành lập Trung tâm là yếu tố tiên quyết để phát triển thuốc, phương pháp mới điều trị bệnh ung thư.
“Muốn hội nhập chúng ta phải làm các nghiên cứu y sinh học trên người đảm bảo tính khoa học, đạo đức, quyền lợi của người tham gia. Thử nghiệm lâm sàng không có nghĩa là biến người bệnh thành chuột bạch. Bộ Y tế sẽ giám sát chặt để các nghiên cứu này đảm bảo tính đạo đức”, ông Quang nói.
Trung tâm này cũng sẽ tư vấn cho các đơn vị đánh giá chất lượng, kiểm tra theo dõi nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, nhằm giảm thiểu nguy cơ hoặc tác dụng không mong muốn đến với người bệnh.

Hoại tử ngón tay do đắp thuốc nam vào vết rắn hổ mang cắn

17 giờ sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân 41 tuổi mới vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Lúc  này bàn tay trái của anh đã sưng nề, tím ngắt, chảy dịch và hoại tử ngón thứ hai. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu ngón tay bị hoại tử  của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, người bị rắn cắn cần phải sơ cứu tại chỗ và tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Bệnh nhân bị hoại tử ngón tay sau khi bị rắn cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhân bị hoại tử ngón tay sau khi bị rắn cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Khi bị rắn cắn, hãy trấn an người bệnh, không để tự đi lại. Bất động chân tay bị cắn bằng nẹp vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
Sau đó, băng ép bất động vùng bị thương để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Có thể dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo băng từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, ngon tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng...) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Nếu bệnh nhân khó thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo. Khi nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, phải tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Chú ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp bị rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Không nên mất thời gian đi tìm thuốc đắp hoặc thầy lang, làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân vì đến viện muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa.

Bệnh nhân Việt Nam đầu tiên được đặt máy tạo nhịp tim không dây

Nữ bệnh nhân ngất liên tục do bệnh tim và suy thận, được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp không dây.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Trưởng Khoa Điều trị Rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân 46 tuổi quê Đồng Tháp nhập viện đầu tháng 4 trong tình trạng ngất liên tục, nhịp tim rất chậm. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân block nhĩ thất độ 3 gây rung thất, xoắn đỉnh. Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, đang lọc thận định kỳ.
Bệnh nhân được đặt máy tạo nhịp tạm thời. Do bệnh nhân chạy lọc thận lâu ngày làm hẹp đường vào tĩnh mạch nên bác sĩ rất khó tiếp cận để đưa dây điện cực tạo nhịp. Phải rất cố gắng và kiên trì, kíp thủ thuật mới đặt máy thành công.
Theo bác sĩ Thức, về lâu dài bệnh nhân cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Xác định không thể đưa dây tạo nhịp vào tim phải theo đường thông thường, Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn từ xa với phó giáo sư Sirin Apiyasawat, Bệnh viện Ramathibodi Thái Lan, Hội Rối loạn nhịp Châu Á Thái Bình Dương.
Các bác sĩ thống nhất phương pháp đặt máy tạo nhịp tim không dây, tuy nhiên chi phí lên đến 390 triệu đồng, bệnh nhân không đủ khả năng. Khoa đã vận động kinh phí từ các nhà hảo tâm, phẫu thuật miễn phí ca đầu tiên với sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật của phó giáo sư Sirin.
Các bác sĩ Khoa Điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của phó giáo sư Sirin (người đầu tiên bên trái). Ảnh bác sĩ cung cấp.
Các bác sĩ Khoa Điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của phó giáo sư Sirin (người đầu tiên bên trái). Ảnh bác sĩ cung cấp.
Sau khi cấy máy, bệnh nhân hồi phục tốt cùng các thông số kiểm tra an toàn và vừa xuất viện. Đây là loại máy có kích thước rất nhỏ nằm toàn bộ trong buồng thất phải, đưa vào bằng ống thông từ tĩnh mạch đùi để tránh đường đi thông thường do bệnh nhân đã bị biến dạng mạch máu. Máy cho phép tạo nhịp tim bệnh nhân trong 8-10 năm. Thời gian dự trù pin của máy khoảng 12 năm. 
Loại máy này được Cục Quản lý Dược phẩm Thực phẩm Mỹ cho phép sử dụng vào năm 2017 và là lần đầu tiên đặt cho bệnh nhân Việt Nam. Đây là biện pháp tiên tiến điều trị rối loạn nhịp tim chậm cho bệnh nhân không thể tiếp cận tim thông qua tĩnh mạch chủ trên, tính thẩm mỹ cao vì không để lại vết sẹo mổ. 

Nhiều bé bệnh sởi phải nhập viện

Nổi nốt đỏ ở mặt, loét miệng, bé trai 6 tháng tuổi ở Hà Nội được chẩn đoán bị sởi biến chứng viêm phổi.

Bé điều trị tại khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Mẹ bé cho biết không ngờ con mình mới 6 tháng tuổi đã mắc sởi, trong khi lịch tiêm chủng mũi sởi đầu tiên là khi bé 9 tháng tuổi. Hai ngày trước, con sốt cao, chị đưa đi khám tại một bệnh tư, cho uống thuốc hạ sốt nhưng bệnh không giảm.
Khi con xuất hiện các nốt đỏ ở mặt và vết loét trong khoang miệng, chảy nước mũi và ho nhiều, mẹ đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi và phải nhập viện điều trị.
Ban sởi thuường xuất hiện theo thứ tự từ đầu cổ, thân mình đến chân tay. Ảnh minh họa: P.N.
Bệnh nhi sởi đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: P.N.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị cho 7 bệnh nhi sởi. Từ đầu năm đến nay có hơn 70 trẻ mắc sởi điều trị tại đây, hơn 85% chưa được tiêm phòng. Trong số bệnh nhi chưa được tiêm phòng có hơn một nửa chưa đến tuổi tiêm.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng... Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, gần đây lại xuất hiện quanh năm.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, đường tiêu hóa và kết mạc mắt kèm nổi ban đặc trưng. Khi bị sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng.
Theo tiến sĩ Lâm, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, có miễn dịch kém.
Các dấu hiệu điển hình của giai đoạn toàn phát bao gồm nổi ban sẩn, mịn như nhung. Ban xuất hiện theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay chân và biến mất theo thứ tự đã mọc.
Cách tốt là tiêm văcxin phòng bệnh. Trẻ 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 thì hiệu quả bảo vệ đạt 85%. Tiêm mũi 2 khi trẻ 18 tháng tuổi, hiệu quả bảo vệ đến 95%.
Tất cả trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Nói dối bệnh nhân, nữ hộ sinh bị kỷ luật

Thai phụ vào Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (Đà Nẵng) khám do ngã, nữ hộ sinh nói dối máy siêu âm hỏng để từ chối điều trị.

Chồng bệnh nhân đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội. UBND quận Thanh Khê sau đó có văn bản yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Y tế quận Thanh Khê kiểm tra thông tin.
Bà Lê Thúy Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê cho biết, thai phụ 27 tuổi được chồng đưa đến khám sáng 26/4 sau khi bị ngã. Bệnh nhân được hướng dẫn vào khoa Sản kiểm tra. Khi ấy bác sĩ siêu âm bị ốm và đã xin nghỉ phép. Thay vì thông báo với bệnh nhân về việc không có bác sĩ trực, nữ hộ sinh lại nói máy siêu âm bị hư.
Máy siêu âm hơn 2 tỷ ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê. Ảnh: N.T.
Máy siêu âm trị giá hơn hai tỷ đồng ở Trung tâm Y tế quận Thanh Khê. Ảnh: N.T.
Bà Nguyệt cho biết: "Máy siêu âm trị giá hơn hai tỷ đồng, mới chuyển về trung tâm ba tháng nay để phục vụ khám chữa bệnh và đang hoạt động tốt", bà Nguyệt nói.
Trung tâm Y tế đã kỷ luật nữ hộ sinh bằng cách hạ bậc thi đua và thu nhập.

Bé trai ở Tuyên Quang chào đời mới 10 ngày đã bị thủy đậu

Bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng sốt, xuất hiện bóng nước toàn thân. 
Trước khi sinh ba ngày mẹ bé bị thủy đậu. Khi mang thai mẹ không tiêm phòng văcxin thủy đậu. Bé chào đời được 10 ngày thì bắt đầu có biểu hiện bệnh. Đánh giá trường hợp này rất đặc biệt do bệnh nhi còn quá nhỏ, hệ miễn dịch non yếu và mẹ bé vẫn đang mang virus thủy đậu, các bác sĩ đang điều trị tích cực cho bé.
Bệnh nhi bị nổi bóng nước khắp người. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bệnh nhi bị nổi bóng nước khắp người. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Thủy đậu là bệnh rất nguy hiểm đặc biệt với trẻ sơ sinh khi sức đề kháng của bé còn rất yếu và bệnh thường lây lan rất nhanh trong vòng hai, ba ngày đầu.
Bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt, nổi bóng nước khắp cơ thể và tùy tình trạng nặng nhẹ thì bóng nước nổi nhiều hay ít. Khi nghi ngờ mắc thủy đậu nên cách ly người bệnh. Khi người bệnh có các bóng nước viêm tấy, yếu tay chân, sốt cao… cần nhanh chóng đến bệnh viện.
Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, não, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết… Tiêm văcxin phòng bệnh thủy đậu là cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cho trẻ. Thời gian tiêm khi trẻ đủ 12 tháng tuổi và tiêm nhắc lại theo lịch tiêm chủng của cơ sở y tế.

Phụ nữ có ý định mang thai cần tiêm văcxin phòng thủy đậu ít nhất 3 tháng trước khi có thai. Đây là cách tránh lây nhiễm bệnh thủy đậu tốt nhất cho mẹ và thai nhi trong thai kỳ.

Bé trai sơ sinh có các nội tạng lộn xộn

Mẹ bé 27 tuổi, sinh con lần thứ hai. Ở tuần thai thứ 28 chị khám thai, siêu âm phát hiện thai nhi bị thoát vị hoành trái, bác sĩ chỉ định mổ bắt con. Bé chào đời khi gần 39 tuần thai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, nặng 2,7 kg bị suy hô hấp, tím quanh môi. Sau sinh, bé được thở máy và dùng kháng sinh, dịch nuôi dưỡng.
Kết quả xét nghiệm, siêu âm ổ bụng và chụp X-quang của bé cho thấy dạ dày và quai ruột chiếm toàn bộ phổi trái, đẩy tim và trung thất sang phải. Hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ quyết định phẫu thuật mổ nội soi cấp cứu khâu cơ hoành, bởi nếu không kịp thời mổ để sắp xếp lại vị trí nội tạng, bé có nguy cơ tử vong.
Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện toàn bộ hồi tràng, đại tràng trái, lách, tuyến thượng thận trái của bé thoát vị nằm hoàn toàn trên khoang màng phổi trái. Bác sĩ đã trả các tạng thoát vị về ổ bụng cho bé.
Sau phẫu thuật, bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm, đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Cứu sống bé sơ sinh có cơ quan nội tạng lộn xộn
Kíp phẫu thuật chuẩn bị mổ xếp lại nội tạng đúng vị trí cho bé. Ảnh: N.P.
Bác sĩ Trịnh Trương Tuyên cho biết, thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.
Bác sĩ khuyến cáo, thai phụ từ tháng thứ 5 trở đi có thể phát hiện thai nhi bị bệnh này nhờ siêu âm. Khi ấy các bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời đưa các tạng thoát vị về đúng vị trí sinh lý và khâu chỗ thoát vị hoành lại. Trường hợp bé chào đời mới phát hiện tình trạng thoát vị thì nguy cơ tử vong rất cao.

Bé trai 9 tuổi suýt chết sau vài ngày nôn ói, đau ngực

Bệnh nhi không đáp ứng điều trị thông thường, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) phải vận hành hệ thống tuần hoàn ngoài cho bé.

Tối 22/4, bé trai 9 tuổi từ Cần Thơ chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) với bệnh cảnh sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền nhĩ - thất độ 3. Gia đình cho biết trước khi nhập viện vài ngày cháu bé có nhiều biểu hiện bất thường như nôn ói, than đau ngực, sau đó co giật phải đến viện địa phương điều trị. 
Bé trai được vận hành hệ thống ECMO để cứu sống. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Bé trai phải thở bằng hệ thống ECMO. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Tình trạng bệnh diễn tiến phức tạp, bệnh nhi lơ mơ dần, suy hô hấp, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim phải hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc vận mạch nên bé được chuyển lên TP HCM. Các bác sĩ đã nhanh chóng đặt máy tạo nhịp tạm thời, sử dụng thuốc vận mạch và các thuốc chống loạn nhịp để tránh nguy cơ ngưng tim.
Các biện pháp điều trị thông thường không mang lại kết quả, sức co bóp cơ tim giảm nhanh kèm rối loạn nhịp thất khó kiểm soát, bệnh nhân đứng trước nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào. Bác sĩ hội chẩn quyết định thực hiện kết nối cháu bé với hệ thống ECMO để cứu nguy. Sau gần một tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, mạch, nhịp tim và huyết áp ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Viêm cơ tim tối cấp có sốc tim hay còn gọi viêm cơ tim bạo phát là bệnh lý diễn biến cực kỳ nguy kịch. Với những bệnh nhân tiên lượng tử vong trên 80% như trường hợp này, ECMO được coi là tia hy vọng cuối cùng. Đây là phương pháp hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống cho các bệnh nhân suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thông thường. Kỹ thuật này phức tạp, cần một kíp y bác sĩ chuyên nghiệp để vận hành. 

Phát hiện 44 biến thể gene liên quan đến trầm cảm

Nghiên cứu lớn nhất về trầm cảm xác định 44 biến thể di truyền liên quan đến căn bệnh, bao gồm 30 loại lần được được biết đến. 

Theo Reuters, phát hiện trên được công bố sau khi 200 nhà khoa học khắp thế giới tiến hành nghiên cứu 135.458 trường hợp trầm cảm. Không chỉ đẩy cao nguy cơ mắc bệnh, 44 biến thể gene còn ảnh hưởng đến tác dụng thuốc, từ đó lý giải nguyên nhân vì sao chỉ 50% người bị trầm cảm đáp ứng tốt với phương pháp điều trị. Đặc biệt, toàn bộ nhân loại đều mang ít nhất một trong những biến thể gene này. 
Ảnh: Pixabay/Daniel Reche.
Ảnh: Pixabay/Daniel Reche.
Trên tờ Nature Genetics, tiến sĩ Gerome Breen từ Viện Tâm thần, Tâm lý và Khoa học Thần kinh từ Đại học King London (Anh) thuộc nhóm tác giả nhận định về mặt cơ sở di truyền, trầm cảm có những điểm tương đồng với các bệnh tâm thần khác như tâm thần phân liệt. Nhờ phát hiện 44 biến thể di truyền, tiến sĩ Breen kỳ vọng y học sẽ khám phá và cải thiện các liệu pháp điều trị trầm cảm. 
Cũng tham gia đội ngũ nghiên cứu, giáo sư dịch tễ sinh học Cathryn Lewis từ Hiệp hội Tâm thần Mỹ nhấn mạnh công trình làm sáng tỏ khía cạnh di truyền nhưng "đây mới chỉ là bước đầu": "Chúng ta cần tiếp tục đào sâu bộ gene cũng như cách thức nó kết hợp cùng yếu tố môi trường để đẩy cao nguy cơ trầm cảm".

Tự tháo bó bột để đắp lá chữa gãy xương, người phụ nữ suýt mất tay

Bệnh nhân ở Quảng Bình bị nhiễm trùng, hoại tử da cánh tay do tự ý tháo bó bột để đắp bằng lá từ thầy lang vườn.

Ngày 28/4, người phụ nữ 50 tuổi được người nhà đưa đến Bệnh viện Việt Nam Cu Ba Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mỏi mệt cẳng tay phải thâm đen, hoại tử da khô đen.
Cẳng tay bị hoại tử da khô đen vì bó lá thời gian dài. Ảnh: Long Nhật.
Cẳng tay bị hoại tử da khô đen vì bó lá thời gian dài. Ảnh: Long Nhật.
20 ngày trước bệnh nhân bị ngã gãy xương cẳng tay được bác sĩ bó bột. Sau đó 4 ngày, bệnh nhân tự tháo bột và đến nhà thầy lang vườn để bó lá. Được 16 ngày khi mở lá ra thì cẳng tay đã nhiễm trùng, bỏng rộp da, người bệnh sốt cao. Theo các bác sĩ, rất may là phần cẳng tay bị hoại tử da khô đen vẫn có thể cứu được.
Hiện một số gia đình vẫn có thói quen tự chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các lang vườn. Đây là việc làm khá nguy hiểm bởi nhiều thầy lang vườn không được đào tạo cơ bản về y tế, khó có thể nhận biết mức độ thương tổn của vết thương cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị. Điều trị không đúng có thể khiến vết thương bị viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm.
Khi bị thương tự ý đắp lá, đắp cao dễ gây ra bị bong rộp da gây nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí... tử vong. Có nhiều bệnh nhân đến viện khi vết thương để lâu gây ra nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý dùng các loại thuốc lá, các loại cây để bó, vừa tốn kém vừa không hiệu quả, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Bị cứng khớp do đắp lá suốt 3 tháng

Trước đó bệnh nhân bị tai nạn giao thông, đến bệnh viện huyện để chụp x-quang nhưng không điều trị mà về nhà đắp thuốc lá suốt 3 tháng. Bệnh tình không thuyên giảm, tình trạng sưng nề, đau nhức ngày càng nghiêm trọng và đi lại khó khăn, bệnh nhân sau đó tới Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám.
Gối bệnh nhân sưng nề, viêm đỏ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Gối bệnh nhân sưng nề, viêm đỏ. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch khớp gối và đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, cần phẫu thuật ngay.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không nên đắp bất cứ loại thuốc lá nào lên vùng bị chấn thương mà cần tới sự can thiệp của y khoa để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Một trong các biến chứng đáng ngại nhất là làm chậm liền xương, khớp và liền lệch, hậu quả khiến xương không liền được. Ngoài ra, nó còncòn làm loét da và nhiễm trùng da do vi khuẩn từ thuốc lá.
Vì vậy khi bị chấn thương, gãy xương, người bệnh cần tới cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự ý đắp thuốc lá tại nhà hoặc đến thầy lang vì sẽ làm vết thương phức tạp hơn.

Xử trí khi có người bị sốc nhiệt ngày nghỉ lễ

Theo TedEd, sốc nhiệt khi nhiệt độ cơ thể hơn 40 độ C kèm với triệu chứng tăng nhịp tim, huyết áp thấp và thở gấp, hung hăng hoặc mất ý thức.
Dấu hiệu đặc trưng của sốc nhiệt thường là ngất xỉu. Ngoài ra, kèm theo các triệu chứng khác có thể gồm đau nhói đầu, chóng mặt và choáng váng, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và nôn, thậm chí co giật, hôn mê.
Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân say nắng. Ảnh: Examiner.
Để hạ nhiệt, nên áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ cho bệnh nhân say nắng. Ảnh: Examiner.
Nếu bạn nghi ngờ ai đó bị say nắng, hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong khi đợi y tế đến, việc cần thiết nhất đó là giúp bệnh nhân hạ nhiệt độ cơ thể về mức bình thường khoảng 38 độ, bằng cách chườm khăn ướt, đặc biệt là phần sau cổ, bẹn, lưng và dưới cánh tay. Làm mát cho bệnh nhân bằng cách quạt và phun nước lên da. Nới lỏng hoặc loại bỏ quần áo của bệnh nhân, cho uống một lượng nước mát vừa đủ. Thậm chí, có thể nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá.
Lưu ý, nếu bệnh nhân mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động, cần tiến hành hồi sinh tim phổi (CRP).
Cách phòng sốc nhiệt
Khi nhiệt độ ngoài trời cao, bạn tốt nhất là ở trong môi trường mát mẻ. Nếu phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt theo các bước sau:
- Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, đội một chiếc mũ rộng vành kết hợp với sử dụng kem chống nắng khi đi ra ngoài.
- Tránh để cơ thể mất nước bằng cách uống nhiều nước để tránh mất nước, tăng cường uống nước trái cây hoặc nước rau... 
- Khi phải đi lại hoặc làm việc giữa trời nắng nóng, bạn cần uống nhiều nước và tăng số lần nghỉ giữa giờ làm việc để cơ thể phục hồi.
- Tránh sử dụng chất lỏng có caffein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt.

Thiếu niên 16 tuổi sống nhờ máy móc chờ một phép màu

Đức (Thái Bình) bị suy tim nặng, máy móc chỉ giúp duy trì sự sống tối đa ba tuần và cơ hội duy nhất là phải ghép tim.


Thiếu niên bị giãn cơ tim giai đoạn cuối, đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Là con trai thứ hai của gia đình, trước đó Đức hoàn toàn khỏe mạnh, thi thoảng ốm sốt. Cuối năm ngoái, cậu bất ngờ sốt cao, điều trị tại nhà thì giảm sốt. Vài ngày sau Đức dần mệt lả, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được kết luận bị suy tim nên chuyển ra Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.
Khi đó, Đức đã bị suy tim rất nặng, tim chỉ còn 30-40% chức năng và chỉ định ghép tim. Sau hơn một tháng điều trị tại đây, từ ngày 21/2 đến nay, Đức được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức điều trị, mong chờ người hiến tạng phù hợp.
Trưa 28/4, tim cậu thiếu niên đột ngột ngừng đập. Các bác sĩ liên tục ép tim, chiến đấu suốt nhiều giờ để giành giật sự sống cho Đức. May mắn tim của bệnh nhân đã đập trở lại và được duy trì sự sống nhờ hệ thống ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể, thay thế chức năng của tim.
Theo các bác sĩ, ECMO cũng chỉ có thể giúp kéo dài sự sống cho Đức tối đa 3 tuần. Cách duy nhất để cậu thiếu niên được sống là ghép tim.
“Chưa bao giờ chúng tôi thấy thời gian trôi nhanh như lúc này. Chỉ mong sẽ có một phép màu nào đó đến với cháu”, bố chàng trai trẻ nói.
Bác sĩ, gia đình mong đợi một phép màu đến với cậu thiếu niên 16 tuổi Ảnh: N.V.
Bác sĩ, gia đình đang mong đợi một phép màu đến với thiếu niên 16 tuổi Ảnh: N.V.
Túc trực bên con từng ngày, người mẹ không ngừng hy vọng vào một điều kỳ diệu, một phép màu. “Bác sĩ nói vẫn đang cố gắng tìm kiếm tim, vận động một nghĩa cử của ai đó không may qua đời... Họ sẽ hiến tặng cho con một trái tim để con được sống, được tiếp tục đi học và thực hiện ước mơ. Thật khó phải không con, nhưng mẹ không thể mất con được, con yêu của mẹ”, người mẹ viết những dòng ngắn ngủi gửi con.
“Thời gian đang đếm lùi từng ngày. Chúng tôi kêu gọi thân nhân các gia đình có người thân đang rơi vào tình trạng chết não mang nhóm máu O+ hãy cho Đức một cơ hội sống. Hãy cho người thân của mình sống thêm một lần nữa trong cơ thể của cậu bé và các bệnh nhân khác đang cận kề cái chết”, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người kêu gọi.
Đến nay cả nước có 13 cơ sở y tế đủ điều kiện để thực hiện các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người. Chi phí cho một ca ghép tạng trong nước chỉ bằng 1/4 so với nhiều nước phát triển và nhiều nước trong khu vực. Nhu cầu ghép bộ phận cơ thể người ở nước ta là rất lớn, cả nước hiện có khoảng 6.000 người bị suy thận mãn cần được ghép thận. Về ghép gan chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Hiện cả nước có trên 5.000 người đang chờ được ghép giác mạc.
Trên thế giới, 90% nguồn tạng cho được lấy từ người chết não, chỉ khoảng 10% là từ người cho sống. Ngược lại ở Việt Nam, các ca ghép thận, gan vẫn chủ yếu là từ người cho sống. Theo thống kê tại các bệnh viện như Chợ Rẫy, Việt Đức; trung bình mỗi ngày có khoảng 2-3 ca chết não, cá biệt có ngày hơn 10 ca tuy nhiên số ca chết não đăng ký hiến tạng mỗi năm tại nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Kỹ thuật đánh bài Liêng được nhà cái tiết lộ

  Hiện nay, bài liêng là một trong những game bài được rất nhiều người yêu thích. Phổ biến là vậy nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bài ...